Thấy nhỏ mà không nhỏ
Trẻ con lúc nào cũng gặp những va chạm nhất định. Điều đó hiển nhiên! Quan trọng chúng ta sẽ hướng trẻ xử lý như thế nào khi xảy ra mọi điều mình không ưng ý. Và trong các tình huống như thế, tôi đã vận dụng tư tưởng trên để dạy cho bé với trải nghiệm sau.
Tôi rất thích quyển sách “Emily hay là về giáo dục” của Jean –Jacques Rousseau, một nhà tư tưởng người Pháp. Theo đó, ông cho rằng những cảm tri mà con trẻ tiếp cận trong những năm đầu đời, dù lớn hay nhỏ cũng biến thành một thói quen tốt hay xấu ở trẻ. Do đó, sự nhạy cảm của bố mẹ là rất cần thiết, để phải lưu tâm nhiều hơn và giúp xây nên tư tưởng tình cảm đẹp cho con trẻ.
Trẻ con lúc nào cũng gặp những va chạm nhất định. Điều đó hiển nhiên! Quan trọng chúng ta sẽ hướng trẻ xử lý như thế nào khi xảy ra mọi điều mình không ưng ý. Và trong các tình huống như thế, tôi đã vận dụng tư tưởng trên để dạy cho bé với trải nghiệm sau:
Một buổi sáng, Củ Mì đi tản bộ cùng bà ngoại, bé chợt vấp ngã thanh gỗ, té lăn ra đất. Bà vội chạy đến dỗ dành và dung tay đánh ngay vào thanh gỗ ấy “Tại mày nha gỗ, làm cháu tao đau này, đánh cho mày chừa nhá”. Củ Mì thấy thế liền nín khóc ngay và cũng quay sang “bạo hành” y chang với thanh gỗ. Ngay cả trong nếp sinh hoạt, Củ Mì luôn ở ngôi “vua”, bà ngoại là “bầy tôi” trung thành nhất, hễ “vua” có la hét đòi hỏi thứ gì, “bầy tôi” phục vụ tận tình chẳng dám hé nửa lời. Tôi nhìn thấy mọi việc và cảm nhận có điều gì đó không ổn.
Chiều hôm sau đón con từ trường về, cô giáo đã mách rằng: Củ Mì rất nóng tính, hay đánh trả bạn bằng cú đánh rất mạnh và nếu không vừa ý cái gì, bạn ấy lăn ra ăn vạ. Tôi bần thần dắt con về và chợt nhận ra lý do nằm ở đâu, mình cần hành động ngay vì đối với con trẻ mọi chuyện đều không nhỏ, chúng to và giúp hình thành thói quen nhanh chóng.
Một hôm tôi sơ ý vấp ngay cái ghế và chảy máu, Củ Mì nhanh chóng chạy đến và định đánh vào ghế để dỗ dành tôi như bà ngoại đã làm. Nhưng tôi ngăn lại và bảo: “Do mẹ sơ ý, tự té không phải do cái ghế và mẹ sẽ không khóc, đứng lên liền”. Và tức thì, tôi làm cho bé thấy như tôi đã nói. Tôi tin rằng bé đã có ấn tượng rất mạnh khi tôi làm ngược lại với những gì bà ngoại đã dạy trước đó. Thêm vào đó, tôi giải thích ngay cho con hiểu: “Mọi việc là do mình bất cẩn, không liên quan đến cái này cái kia, do đó phải cẩn thận nhiều hơn”. Không bao lâu sau, bé lại có tai nạn nho nhỏ, bị ngã từ bậc tam cấp xuống đất chảy máu, đau hơn lần trước, nhưng chỉ dám khóc chờ người đến đỡ, không bạo hành ngay vật làm mình đau. Tôi cho rằng con có tiến bộ một chút. Mọi sinh hoạt trong nhà, tôi yêu cầu bé phụ mình, từ lấy cái rổ, cái chén nhựa hay thậm chí đong nước vào chai…bé làm nhiệt tình và không còn thời gian để quấy, ăn vạ khi không ưng ý nữa.
Thấy nhỏ nhưng không nhỏ, hãy cho trẻ thấy mọi việc điều rất đơn giản, phải đón nhận nó bằng tâm trạng bình tĩnh, thậm chí cũng còn rất bình thường để trẻ dễ dàng vượt qua những tai nạn của mình.