Chế độ dinh dưỡng cho trẻ thừa cân béo phì

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ thừa cân béo phì

Tại Việt Nam, trẻ thừa cân, béo phì đã tăng gấp 10 lần so với năm 1976. Theo thống kê của Bộ Y tế, riêng năm 2020, tỉ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3%. Trong đó, tình trạng béo phì trẻ em ở mức đáng báo động là tại các thành phố lớn, điển hình là tại TP.HCM đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.

  • Với trẻ 0-5 tuổi: Nếu chỉ số cân nặng theo chiều dài hoặc chiều cao dao động từ 2 độ lệch chuẩn (2SD) đến < 3SD, trẻ đang gặp tình trạng thừa cân. Nếu cân nặng theo chiều dài hoặc chiều cao ≥ 3 SD, trẻ được xác định béo phì.
  • Với trẻ 5-19 tuổi: Trẻ được chẩn đoán thừa cân khi chỉ số khối cơ thể theo tuổi BMI – Z-Scores từ +1SD đến < 2SD; và trẻ được xác định béo phì khi chỉ số BMI – Z-Scores ≥ 2SD.

Lưu ý: Đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi, ba mẹ cần theo dõi cân nặng và chiều cao của trẻ hàng tháng. Đối với trẻ từ 12-24 tháng tuổi thì cần theo dõi 2 tháng một lần.

Thực phẩm cho bé
Thực phẩm cho bé

Nhu cầu dinh dưỡng của bé thừa cân

Muốn giảm cân cho trẻ béo phì mà vẫn đáp ứng nhu cầu năng lượng cho trẻ hoạt động và tăng trưởng mẹ nên kiểm soát chặt chẽ chế độ ăn của trẻ và khuyến khích trẻ tăng cường vận động. Theo PGS.TS.BS Lê Bạch Mai, Nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc Gia, Giám đốc Y khoa Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng – Y học Vận động Nutrihome (miền Bắc), một chế độ dinh dưỡng cân bằng hợp lý cho trẻ thừa cân béo phì phải đảm bảo đầy đủ nhóm chất đạm, chất béo, chất bột đường, chất xơ, rau và trái cây.

  • Chất đạm: Để đảm bảo lượng Protein cần thiết, bố mẹ nên lựa chọn những loại thực phẩm giàu protein cho trẻ như: thịt ít mỡ, tôm, cua, cá, giò nạc, sữa đậu nành, phomai, trứng, sữa bột tách bơ, sữa chua làm từ sữa gầy, đậu đỗ. Lượng protein cần thiết mỗi ngày cho trẻ thừa cân béo phì: Trẻ từ 9 – 13 tuổi cần ít nhất 40g protein mỗi ngày; Trẻ từ 1-3 tuổi cần 19-25g, còn trẻ lớn hơn cần tới 25-40g chất đạm mỗi ngày.
  • Chất bột đường: Nên sử dụng glucid có nhiều chất xơ như: Bánh mì đen, ngũ cốc nguyên hạt, khoai củ có đậm độ năng lượng thấp, không đắt tiền, luôn có sẵn và là nguồn protein quý, vitamin và khoáng chất tốt. Lượng tinh bột nên chiếm khoảng trong mỗi bữa ăn. Ví dụ như cơm ½ chén, bún 100g, bánh ướt 100g…
  • Chất béo: Chất béo cũng rất cần thiết cho trẻ nhỏ vì cung cấp phần lớn năng lượng cho cơ thể, nhất là sự phát triển của não bộ cũng như để hòa tan, hấp thu một số dạng vitamin. Vì thế, việc chọn lọc các loại thực phẩm chứa chất béo không no, giàu omega-3 giúp trẻ vừa phát triển trí não, vừa giảm được cân nặng như: Cá hồi, các loại cá béo, dầu oliu, dầu mè…
  • Bổ sung đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất từ trái cây, rau xanh. Mỗi ngày cần cho trẻ ăn nhiều rau xanh, trái cây, sữa, sữa chua, phô mai, các loại hạt…
  • Hạn chế ăn muối, dưới 5g/ngày. Nếu có tăng huyết áp thì nên dùng 2-4g/ngày.
  • Bố mẹ cần thay đổi cách thức chế biến món ăn cho trẻ, chuyển đổi từ kiểu chế biến chiên, rán, thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều cholesterol sang dạng hấp, luộc. Ăn thanh đạm, chọn thực phẩm ít cholesterol.
  • Cho trẻ ăn điều độ, đủ bữa (05 bữa), đúng giờ, bữa ăn tối cách giờ đi ngủ trên 2 tiếng.
  • Ăn chậm, nhai kỹ (mỗi bữa ăn kéo dài khoảng 20 phút, nhai kỹ trước khi nuốt).
  • Bên cạnh đó, trẻ béo phì cần kiêng: Thực phẩm nhiều chất béo (thịt mỡ, nước dùng thịt, bơ, thịt chân giò…); Thực phẩm nhiều cholesterol (não, tim, gan, thận, lòng lợn…); Những món ăn thêm chất béo (bánh mì bơ, bơ trộn rau, các món xào, rán…); Thức ăn giàu năng lượng (mứt, kẹo, bánh ngọt, chocolate, nước ngọt…)
Tác hại của việc thừa cân ở trẻ
Tác hại của việc thừa cân ở trẻ

Mách mẹ một số cách để bé giảm cân hiệu quả

Khuyến khích trẻ tập thể dục, vận động

Các hoạt động thể dục thể thao rất hữu ích trong việc giúp bé giảm cân. Những hoạt động như: đi bộ, chạy bộ, đạp xe, trượt patin, bơi lội, đá bóng, bóng rổ, đá cầu, nhảy dây… là những hoạt động thể chất lý tưởng giúp trẻ tiêu hao phần năng lượng dư thừa. Gia đình bạn cũng nên có các hoạt động thể chất nhiều hơn như cùng trẻ đi bộ một quãng ngắn hay đạp xe đạp thay vì ngồi xe, đi cầu thang bộ thay vì thang máy, ra công viên tản bộ thay vì ngồi trước màn hình tivi…

Ngoài việc giúp trẻ vận động tiêu hao năng lượng dư thừa, các hoạt động này còn giúp gia đình bạn thêm gắn kết, con bạn có thêm nhiều bạn bè cùng trang lứa.

Khích lệ bé vận động
Khích lệ bé vận động

Đặt mục tiêu giảm cân vừa với khả năng của bé

Giảm cân là một quá trình dài với nhiều thử thách và đầy gian khổ. Do đó, cách giảm cân cho trẻ béo phì hiệu quả là bạn nên đặt ra mục tiêu phù hợp với khả năng của trẻ. Đối với trẻ béo phì, mức giảm khoảng 0,5kg cân nặng trong 1 tuần là một mục tiêu lý tưởng. Nếu đạt được mục tiêu này, bé sẽ có niềm tin rằng giảm cân không phải là “nhiệm vụ bất khả thi”. Nếu sau một tháng, bé giảm được số cân nặng đã đề ra, bạn hãy tiếp tục khuyến khích bé bằng cách mua cho bé bộ vợt cầu lông hoặc đôi giày đi bộ mới…

Xây dựng chế độ vận động đơn giản ngay tại nhà

Những lúc bé rảnh rỗi, bạn hãy khuyến khích con thực hiện một số bài thể dục đơn giản tại nhà. Các hình thức vận động hay các bài tập mà bé có thể thực hiện bao gồm: đi dạo, đá bóng, nhảy dây, đánh cầu… bất cứ khi nào rảnh rỗi và cố gắng xây dựng các hoạt động này trở thành thói quen vận động của trẻ. Điều này sẽ giúp con bạn không ngồi ì một chỗ, quên đi nhu cầu ăn uống, có động lực để thực hiện kế hoạch giảm cân.

Bênh cạnh đó, bạn nên thay đổi thói quen ăn uống của cả gia đình. Hãy cắt giảm các món ăn vặt và giảm lượng dầu sử dụng trong nấu ăn hàng ngày, thêm nhiều rau và thịt nạc.

Ngoài ra, hãy khuyến khích con tham gia một số lớp học hoạt động thể chất như: bơi lội, võ thuật, bóng rổ, thể dục nhịp điệu… Điều này không chỉ giúp bé giảm cân mà còn có thêm các kỹ năng hữu ích.

Lập biểu đồ để theo dõi tiến độ giảm cân của trẻ

Bạn hãy lập biểu đồ giảm cân của con và dán lên tường trong phòng của trẻ. Cứ đều đặn mỗi tuần hoặc mỗi tháng, hãy ghi lên biểu đồ mức cân nặng mà bé đã giảm được. Dần dần, con sẽ nhận ra những gì mà con đã đạt được và có động lực để theo đuổi nhiệm vụ khó khăn này.

Luôn động viên con

Con bạn có thể dần mất tinh thần sau một thời gian thực hiện kế hoạch giảm cân. Nhiệm vụ của bạn là luôn động viên bé để bé giữ vững tinh thần để đạt được mục tiêu đã đề ra. Nếu bé chỉ giảm được chưa đến 0,5kg/tuần, hãy nói với bé rằng kết quả này là rất khả quan, chỉ cần cố gắng thêm chút nữa. Điều này giúp bé cảm thấy việc ăn kiêng để giảm cân đang có kết quả tốt và có hứng thú để duy trì.

Thực đơn nhiều rau củ
Thực đơn nhiều rau củ

Thay đổi thói quen ăn uống của trẻ

Bạn hãy khuyến khích con chỉ ăn khi cảm thấy thực sự đói và dừng lại khi đã cảm thấy no chứ không ăn như một thói quen, ăn cho vui miệng, ăn thêm vì thức ăn ngon… Trẻ em và thanh thiếu niên thường có xu hướng ăn vì buồn chán, căng thẳng hay không có gì để chơi chứ không phải vì đói. Trẻ nên ăn cùng gia đình và bữa ăn nên diễn ra trong nhà bếp hoặc phòng ăn. Đặc biệt, bạn không nên cho con vừa ăn vừa xem ti vi, nghe điện thoại, chơi game, đọc sách… Nếu bị phân tâm bởi những thứ kể trên, bé có thể không nhận ra mình đã ăn bao nhiêu và thường có xu hướng ăn quá nhiều, dẫn đến việc bị tăng cân.

Quý phụ huynh quan tâm đến việc tăng cân cho bé suy dinh dưỡng mời đọc bài viết: https://tiss.edu.vn/mach-me-mon-ngon-cho-be-3-tuoi-tang-can.html

Mầm non Đông Dương xin chia sẻ đến các bố mẹ kiến thức để con mình có cân nặng cân đối khoẻ mạnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *